Có nhiều người làm trong ngành điện nhưng không rõ thứ tự các pha là Đỏ - Vàng - Xanh hay Đỏ - Xanh - Vàng, dẫn đến tình trạng mỗi người làm mỗi kiểu. Hãy xem Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) quy định điều này như thế nào nhé.

 

Ngày 11/7/2006, Bộ Công Thương ban hành Quy phạm trang bị điện theo quyết định số 19/2006/QĐ-BCN gồm các phần sau đây:

 - Phần I: Quy định chung. Ký hiệu: 11 TCN-18-2006

 - Phần II: Hệ thống đường dẫn điện. Ký hiệu: 11 TCN-19-2006

 - Phần III: Trang bị phân phối và trạm biến áp. Ký hiệu: 11 TCN-20-2006

 - Phần IV: Bảo vệ và tự động. Ký hiệu: 11 TCN-21-2006

Trong đó, phần I có quy định về vấn đề màu của các thanh dẫn như sau:

 

I.1.101. Màu sơn thanh dẫn cùng tên ở mọi công trình điện phải giống nhau.

Thanh dẫn phải sơn màu như sau:

  1. Đối với lưới điện xoay chiều ba pha: pha A màu vàng, pha B màu xanh lá cây, pha C màu đỏ, thanh trung tính màu trắng cho lưới trung tính cách ly, thanh trung tính màu đen cho lưới trung tính nối đất trực tiếp.
  2. Đối với điện một pha: dây dẫn nối với điểm đầu cuộn dây của nguồn điện màu vàng, dây nối với điểm cuối cuộn dây của nguồn màu đỏ. Nếu thanh dẫn của lưới điện một pha rẽ nhánh từ thanh dẫn của hệ thống ba pha thì phải sơn theo màu các pha trong lưới ba pha.
  3. Đối với lưới điện một chiều: thanh dương (+) màu đỏ, thanh âm (-) màu xanh, thanh trung tính màu trắng.

 

I.1.102. Phải bố trí và sơn thanh dẫn theo các chỉ dẫn dưới đây:

  1. Đối với thiết bị phân phối trong nhà, điện xoay chiều ba pha:
  • a. Khi thanh cái bố trí thẳng đứng: thanh trên (A) màu vàng; thanh giữa (B) màu xanh lá cây; thanh dưới (C) màu đỏ. Khi các thanh bố trí nằm ngang, nằm nghiêng hoặc theo hình tam giác: thanh xa người nhất (A) màu vàng; thanh giữa (B) màu xanh lá cây; thanh gần người nhất (C) màu đỏ. Trường hợp người có thể tiếp cận được từ hai phía thì thanh phía gần hàng rào hoặc tường rào (A) màu vàng, thanh xa hàng rào hoặc tường rào (C) màu đỏ.
  • b. Các thanh rẽ nhánh từ thanh cái: nếu nhìn từ hành lang vận hành, thanh trái (A) màu vàng, thanh giữa (B) màu xanh lá cây và thanh phải (C) màu đỏ.

      2. Đối với thiết bị phân phối ngoài trời, điện xoay chiều ba pha:

  • a. Thanh cái và thanh đường vòng: thanh gần máy biến áp điện lực nhất (A) màu vàng, thanh giữa (B) màu xanh lá cây, thanh xa nhất (C) màu đỏ.
  • b. Các thanh rẽ nhánh từ hệ thống thanh cái: nếu nhìn từ thiết bị phân phối ngoài trời vào các đầu ra của máy biến áp điện lực, thanh trái (A) màu vàng, thanh giữa (B) màu xanh lá cây, thanh phải (C) màu đỏ.
  • c. Đường dây vào trạm: nếu nhìn từ đường dây vào trạm, tại vị trí đấu nối, thanh trái (A) màu vàng, thanh giữa (B) màu xanh lá cây, thanh phải (C) màu đỏ.
  • d. Thiết bị phân phối ngoài trời dùng dây dẫn mềm làm thanh cái thì sơn màu pha ở chân sứ của thiết bị hoặc chấm sơn ở xà mắc thanh cái.

      3. Đối với điện một chiều:

  • a. Khi thanh cái bố trí thẳng đứng: thanh trên (thanh trung tính) màu trắng; thanh giữa (-) màu xanh; thanh dưới (+) màu đỏ.
  • b. Khi thanh cái bố trí nằm ngang: nếu nhìn từ hành lang vận hành, thanh trung tính xa nhất màu trắng, thanh giữa (-) màu xanh, thanh gần nhất (+) màu đỏ.
  • c. Các thanh rẽ nhánh từ thanh cái: nếu nhìn từ phía hành lang vận hành, thanh trái (thanh trung tính) màu trắng, thanh giữa (-) màu xanh, thanh phải (+) màu đỏ.
  • d. Trường hợp cá biệt, nếu thực hiện như trên mà gặp khó khăn về lắp đặt hoặc phải xây thêm trụ đỡ gắn các thanh cái của trạm biến áp để làm nhiệm vụ đảo pha thì cho phép thay đổi thứ tự màu của các thanh.

Hy vọng mọi người đừng hiểu lầm màu các pha trong hệ thống điện với đèn tín hiệu giao thông!

www.thibidi.vn